Nghị định (NĐ) 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, có hiệu lực từ ngày 1-8. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thể thao trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thể thao trên lãnh thổ Việt Nam.
Xử phạt nặng hành vi bạo lực
Các hành vi vi phạm bị xử phạt gồm: sử dụng chất kích thích trong tập luyện, thi đấu thể thao; sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao; gian lận trong hoạt động thể thao; vi phạm quy định về: tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng; quyền, nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao; điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; điều kiện kinh doanh trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp; điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao… Mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại nghị định này là 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Đặc biệt, với hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao (chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao) sẽ bị phạt tiền từ 15-25 triệu đồng và phải xin lỗi công khai.
Khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Sài GònẢnh: Tấn Thạnh
Bảo đảm tính mạng, tài sản du khách
Cũng có hiệu lực từ ngày 1-8, NĐ 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch nêu rõ hành vi tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ… bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
NĐ này cũng quy định phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch; phạt từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch. Với hành vi sử dụng hướng dẫn viên (HDV) du lịch nước ngoài hướng dẫn ở Việt Nam; sử dụng thẻ HDV du lịch giả; HDV du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia; để du khách trốn lại nước ngoài hoặc du khách trốn ở lại Việt Nam trái phép…, mức xử phạt nặng lên đến 90 triệu đồng.
Thêm 3 trường hợp được thanh toán chi phí khám chữa bệnh
Theo Thông tư 09/2019/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành về việc hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám chữa bệnh BHYT, từ ngày 1-8 sẽ có thêm 3 trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Đó là: Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả kinh phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin về thẻ BHYT; người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
Kỷ luật lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán
Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại NĐ 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng 2018. Theo đó, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng; bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.
NĐ này có hiệu lực từ ngày 15-8.
Nguồn: https://nld.com.vn/