1. Thêm trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên
Từ ngày 15/8/2021, Thông tư 03/2021/TT-BNV sửa đổi chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, bổ sung thêm 01 trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.
Đó là thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.
Hiện hành, theo Thông tư 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013, các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:
– Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;
– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
– Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
– Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Như vậy, từ ngày 15/8/2021, sẽ có 05 trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.
2. Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
Có hiệu lực từ ngày 15/8/2021, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đưa ra lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước như sau:
– Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ tình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).
Trường hợp có khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.
Riêng đối với dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập:
Trường hợp không thực hiện lộ trình quy định tại điểm a khoản 3 Điều Nghị định 60/2021, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH chủ trì, báo cáo Thủ tướng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.
– Đối với dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.
3. Mẫu hộ chiếu, giấy thông hành mới áp dụng từ 14/8/2021
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan (có hiệu lực từ ngày 14/8/2021).
Theo đó, ban hành mẫu hộ chiếu, giấy thông hành gồm:
– Các mẫu hộ chiếu:
+ Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG);
+ Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV);
+ Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím (mẫu HCPT).
– Các mẫu giấy thông hành:
+ Giấy thông hành biên giới Việt Nam – Campuchia, trang bìa màu xanh tím (mẫu GTHVN-C);
+ Giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào, trang bìa màu xanh da trời (mẫu GTHVN-L);
+ Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc cấp cho cán bộ, công chức, trang bìa màu nâu (mẫu GTHVN01-TQ);
+ Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc cấp cho cư dân biên giới, trang bìa màu ghi xám (mẫu GTHVN02-TQ).
Đối với các ấn phẩm trắng hộ chiếu, giấy thông hành đã cung cấp cho các cơ quan trước ngày 14/8/2021 mà chưa cấp hết thì:
Được tiếp tục sử dụng, chậm nhất đến ngày 01/01/2022 phải thực hiện thống nhất theo mẫu hộ chiếu, giấy thông hành quy định tại Thông tư 73/2021.
Hộ chiếu, giấy thông hành đã được cấp trước ngày 01/01/2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu, giấy thông hành.
4. Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngoại ngữ 1
Từ ngày 16/8/2021, Thông tư 19/2021/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngoại ngữ 1 Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông môn học Ngoại ngữ 1 bao gồm:
– Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Nga;
– Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Nhật;
– Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Pháp;
– Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Trung Quốc.
Chương trình các môn học nêu trên được thực hiện theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.