Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Theo Điều 17 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, đảng viên vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý như sau:
(1) Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
– Không lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng, Nhà nước.
– Không lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.
– Buông lỏng lãnh đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
(2) Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại Khoản (1) gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
– Không xử lý, bao che, dung túng cho tổ chức, cá nhân tham nhũng, tiêu cực và vi phạm quy định về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập.
– Ban hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp mình về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
– Không xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, ở cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý.
– Không lãnh đạo, chỉ đạo hoặc có hành vi cản trở hoạt động thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, tiêu cực.
– Chỉ đạo chỉ xử lý nội bộ hoặc xử lý về hành chính đối với cá nhân tham nhũng, tiêu cực, có dấu hiệu tội phạm.
– Bàn và thống nhất nhận tiền, tài sản không hợp pháp để sử dụng cho tập thể hoặc thành viên trong tổ chức đảng.
(3) Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức giải tán:
– Ban hành nghị quyết, quyết định chống lại chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
– Lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, bè phái gây mất ổn định chính trị, xã hội; tham nhũng có tổ chức.
Các hành vi tham nhũng theo Luật Phòng chống tham nhũng
Theo Luật Phòng chống tham nhũng, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
– Tham ô tài sản;
– Nhận hối lộ;
– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
– Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
– Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
– Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
– Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
– Tham ô tài sản;
– Nhận hối lộ;
– Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/